QUE CẤY TRÁNH THAI IMPLANON NXT

Phương pháp tránh thai an toàn, hiệu quả và tiện lợi.

Mẹ Sốt do cảm cúm thì tiếp tục cho con bú không?

Khi bị cảm cúm, mẹ nên tiếp tục cho con bú. Đeo khẩu trang, vệ sinh tay khi chăm con. Vệ sinh nhà cửa, đồ chơi của bé...

Tuổi thai tính từ ngày kinh cuối hoặc ngày kinh cuối hiệu chỉnh

Siêu âm 3 tháng đầu là phương pháp tính tuổi thai và ngày dự sanh chính xác nhất.

Tuổi thai theo siêu âm 3 tháng đầu.

Đo chiều dài đầu mông thai 3 tháng đầu là phương pháp tính tuổi thai chính xác nhất.

Tìm hiểu về bệnh lạc nội mạc tử cung.

Click để biết thêm thông tin chi tiết.

Song thai có nguy hiểm không?

 

Song thai thì có nguy hiểm không?

Mang thai 1 lần nhiều thai nên buồn hay nên vui?

Vui là sanh 1 lần được nhiều con, hoặc có thể sanh ra 2 con giống nhau.

Tuy nhiên các BS theo dõi thai lại rất lo lắng khi theo dõi 1 trường hợp mang bầu đa thai, tại sao vậy?

Ở thai kỳ Đa thai (2, 3,... thai):

+ Đa thai chiếm khoảng 3% trẻ sinh sống nhưng lại chiếm tới 15% trong những trường hợp thai chết lưu.

+ Đa thai, tử vong thai tăng gấp 4 lần so với đơn thai.

+ Sinh ra con rất nhẹ cân tăng gấp 10 lần đơn thai. 

(Nguồn: Wiliiams Obstetrics 26ed 2022)

+ Ngoài ra còn làm tăng tiền sản giật, băng huyết sau sanh, tử vong mẹ tăng 2 lần so với đơn thai. Nhau tiền đạo, nhau cài răng lược tăng so với đơn thai. Cắt tử cung chu sinh tăng 3 lần (song thai), 24 lần (3 4 thai).

(Nguồn: Internet)

Do thai kỳ đa thai tăng nhiều nguy cơ bệnh lý cho cả người mẹ và thai nhi, mẹ bầu cần khám để được BS tư vấn cụ thể tình trạng của mình và tuân thủ theo dõi để BS phát hiện và can thiệp kịp thời các biến chứng do đa thai.
Tuy nhiên cũng không nên quá lo lắng lắng, vì chỉ một phần nhỏ song thai có kết cục xấu mà thôi.
(Tham khảo: Wiliiams Obstetrics 26ed 2022)

BS. Trọng Quí

Sứt môi, hở hàm ếch

 Sứt môi, hở hàm ếch
 (Nguồn tham khảo: fetalmedicine.org) 

Sứt môi hở hàm ếch hay còn được gọi khác là Facial cleft (chẻ mặt)

 (nguồn: Diagnostic imaging: Obstetrics, 4th edition) 
Tỷ lệ:
  • 1/700 trẻ sinh.
  • Thường gặp ở trẻ trai hơn trẻ gái và ở người da trắng hơn người da đen.
  • 1/2 trường hợp bị cả môi và hàm, 1/4 chỉ bị môi và 1/4 chỉ bị hàm.
  • 3/4 trường hợp bị một bên (thường gặp bên trái nhiều hơn) và 1/4 bị 2 bên.
Chẩn đoán trên siêu âm:
  • Sứt môi điển hình thường xuất hiện là một khiếm khuyết thẳng kéo dài từ một bên môi vào đến lỗ mũi. Chẻ vòm kèm theo sứt môi có thể kéo dài qua ổ răng và khẩu cái cứng, đến sàn của khoang mũi hoặc cả sàn ổ mắt.
  • Cả mặt cắt ngang và đứng ngang đều cần thiết cho việc chẩn đoán. Phổ Doppler màu cho thấy dòng tín hiệu đi qua vòm miệng trong những trường hợp chẻ vòm.
 (nguồn: Diagnostic imaging: Obstetrics, 4th edition) 

  • Chẩn đoán chẻ vòm đơn thuần thường khó khăn.
  • Chẩn đoán sứt môi và chẻ vòm tại thời điểm 11-13 tuần có thể thực hiện được bằng siêu âm có chủ đích vùng tam giác sau mũi trên mặt cắt đứng ngang và sự gián đoạn xương hàm trên trên mặt cắt dọc giữa mặt khi thực hiện sàng lọc thường quy các bất thường nhiễm sắc thể.
Các bất thường kèm theo:
  • Bất thường nhiễm sắc thể, chủ yếu là trisomy 13 và 18, có thể gặp ở 1-2% trường hợp. Sứt môi một bên không liên quan đến bất thường nhiễm sắc thể.
  • Có liên quan đến một trong >400 hội chứng trong 30% trường hợp. Thường gặp nhất là: hội chứng Goldenhar (tản phát; không có nhãn cầu, bất thường tai, chẻ mặt, mặt to), hội chứng Treacher-Collins (di truyền trội hoặc lặn trên nhiễm sắc thể thường với 60% là đột biến de novo; thiểu sản xương hàm trên và xương gò má, cằm nhỏ, chẻ vòm, tai bất thường hoặc bất sản tai), bất thường Pierre-Robin (cằm nhỏ hoặc tụt hàm, chẻ vòm và tụt lưỡi. Trong một nửa trường hợp thì đây là một tình trạng xuất hiện đơn độc và tản phát, và trong nửa còn lại thường liên quan đến các bất thường khác hoặc trong các hội chứng di truyền và không di truyền)
Khảo sát: Siêu âm khảo sát chi tiết. Xét nghiệm xâm lấn để làm nhiễm sắc đồ và array.
Theo dõi: Theo dõi theo tiêu chuẩn, Hội chẩn trước sinh đa chuyên khoa .
Chỉ định sinh: Chăm sóc thai kỳ và sinh theo tiêu chuẩn.
Tiên lượng:
  • Chủ yếu phụ thuộc vào sự hiện diện và phân loại của các bất thường kèm theo.
  • Đơn thuần: tiên lượng tốt và sống bình thường.
  • Phẫu thuật sửa chữa vào thời điểm 3 – 6 tháng sau sinh.
  • Vấn đề lâu dài của những đứa trẻ có sứt môi chẻ vòm bao gồm bất thường răng, những vấn đề về thính lực và khứu giác, thiểu sản vùng giữa mặt và các vấn đề về tâm lý. Khoảng 25% có bất thường về ngôn ngữ cần phẫu thuật vòm miệng và liệu pháp ngôn ngữ. Bất thường răng bao gồm mất, thêm hoặc bất thường vị trí của răng và cần phải niềng răng cố định lâu dài. Đa phần các trẻ đều có bất thường về thính giác và có thể cần phải chọc thủng màng nhĩ bằng cách đặt ống thông màng nhĩ ở hai bên để cải thiện thính giác. Khuyến cáo nên sàng lọc về vấn đề tâm lý để đánh giá sự hình thành tri thức, hành vi và khả năng tự nhận thức về bản thân.
Nguy cơ tái diễn:
  • Đơn thuần: 5% nếu có một anh chị hoặc bố mẹ bị bệnh và 10% nếu có hai anh chị bị bệnh.
  • Nằm trong hội chứng: gặp trong tất cả các loại di truyền như di truyền trội, di truyền lặn, di truyền trội trên nhiễm sắc thể X và di truyền lặn trên nhiễm sắc thể X.

Hoàng thể xuất huyết là gì?

HOÀNG THỂ XUẤT HUYẾT


        Bình thường thì ở phụ nữ độ tuổi sinh sản, khi rụng trứng hầu như không có biến chứng gì, tuy nhiên vẫn có một số hiếm trường hợp bị VỠ HOÀNG THỂ XUẤT HUYẾT, vậy hoàng thể là gì? hoàng thể xuất huyết là gì? vỡ hoàng thể xuất huyết là gì?


        Mỗi chu kỳ, chị em thường có 1 nang noãn to và đẹp nhất chứa trứng được rụng vào ổ bụng. Sau khi rụng, trứng sẽ chui vào vòi trứng và nếu gặp tinh trùng sẽ thụ tinh trong đó. Tại vị trí trứng rụng của buồng trứng sẽ chảy 1 ít máu vào ổ bụng hoặc chảy vào trong nang và tự cầm (điều này cũng lý giải nhiều chị em bị đau bụng khi rụng trứng). Sau đó nang này sẽ trở thành hoàng thể để tiết ra các chất giúp thuận lợi cho mang thai. Nếu máu chảy vào trong nang nhiều quá thì làm nang căng và to lên, khi đó nang này được gọi là hoàng thể xuất huyết.
        Hoàng thể xuất huyết có thể rất căng có thể tự vỡ hoặc vỡ khi có tác động của ngoại lực lên nang như sau tập thể dục, quan hệ tình dục, chấn thương hoặc thăm khám vùng chậu. Các triệu chứng lâm sàng là chủ yếu do sự kích thích phúc mạc của máu chảy và nếu nặng thì có triệu chứng của mất máu. (vỡ hoàng thể xuất huyết làm chảy máu vô ổ bụng, máu này kích thích màng lót trong ổ bụng làm chúng ta đau bụng, chảy máu nhiều thì có thể vã mồ hôi, tim đập nhanh, mệt, xỉu,... do mất máu nhiều).


        Có nhiều nguyên nhân có biểu hiện tương tự bao gồm thai lạc chỗ, xoắn phần phụ, u hoặc viêm vùng chậu (1,2). Tỷ lệ thật sự của hoàng thể xuất huyết thì không rõ do thường là không có triệu chứng nên không được phát hiện.

        Hallatt và cộng sự báo cáo (1): phụ nữ trẻ gặp nhiều hơn. Hầu hết vỡ xảy ra trong giai đoạn sau rụng trứng (pha hoàng thể của chu kỳ). Mặc dù vỡ có thể xảy ra bất cứ độ tuổi nào nhưng dường như hay gặp ở giai đoạn sớm sau có kinh lần đầu.

        Có mối liên hệ giữa quan hệ tình dục và vỡ hoàng thể được mô tả bời Aggarwal và cộng sự (3)Hoàng thể xuất huyết trong thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ sẩy thai tự nhiên (1).
BS. Trọng Quí

Tham khảo: 
1. Hallatt JG, Steele CH Jr, Snyder M. Ruptured corpus luteum with hemoperitoneum: a study of 173 surgical cases. Am J Obset Gynecol 1984;149:5-9.
2. Gupta N, Dadhwal V, Deka D, Jain SK, Mittal S. Corpus luteum hemorrhage: rare complication of congenital and acquired coagulation abnormalities. J Obstet Gynaecol 2007;33:376-80.
3. Aggarwal A, Goel P, Wanchu M, Malhotra R, Malhotra S. Ruptured corpus luteum with hemoperitoneum. J Obstet Gynecol Ind 2004;54:488-90.

Lạc nội mạc tử cung là gì?

 LẠC NỘI MẠC TỬ CUNG

    Nội mạc tử cung (nội là bên trong, mạc là màn, nội mạc tử cung là lớp màn ở bên trong của tử cung) bình thường thì lớp màn bên trong tử cung này nằm ở trong lòng tử cung. Nội mạc tử cung dày mỏng theo chu kì, lúc mới có kinh thì nó mỏng, sau đó nó dày lên từ từ cho đến khi bong ra để tạo thành kinh nguyệt, khi bong ra thì nó mỏng đi. Vậy tóm lại nội mạc tử cung là nằm ở trong lòng tử cung. Vậy lạc nội mạc tử cung là nội mạc tử cung không nằm ở trong tử cung nữa mà nó hiện diện ở những chỗ khác như trong cơ tử cung, trong bụng, trong sẹo mổ cũ,.... khi đó thì chuyện gì sẽ xảy ra?


(Hình từ sách williams-Gynecology 2nd edition)

    Định nghĩa theo tài liệu hướng dẫn của bộ y tế năm 2019 thì "lạc nội mạc tử cung là bệnh lý phụ khoa mạn tính, phức tạp, dễ tái phát, trong đó có hiện diện của mô giống mô tuyến ở nội mạc tử cung và mô điệm tùy hành nằm ngoài buồng trứng. Sự hiện diện mô lạc chỗ này thúc đẩy sự hình thành các phản ứng viêm mãn tính và là bệnh lý phụ thuốc estrogen". Đọc định nghĩa thôi là thấy phức tạp rồi, nhưng thật ra mà nói thì bệnh này nó phức tạp thật.

    Lạc nội mạc tử cung có các thể: Lạc nội mạc tử cung ở phúc mạc (phúc là bụng, mạc là màn, phúc mạc là màn bên trong bụng, nó bao phủ nhiều cơ quan trong ổ bụng), lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng (buồng trứng nằm trong ổ bụng, không có phúc mạc bao phủ), lạc nội mạc tử cung sâu, lạc nội mạc tử cung vào cơ tử cung (hay còn gọi là bệnh tuyến cơ tử cung), 1 người có thể có cùng lúc nhiều thể cùng hiện diện.

    Tần suất mắc bệnh không được biết chính xác, ước tính khoảng 10% phụ nữ độ tuổi sinh sản bị lạc nội mạc tử cung. Trong những phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung có khoảng 40-82% bị đau vùng chậu mạn tính, 50% bị ảnh hưởng gây hiếm muộn vô sinh, 17-48% là các khối lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng.

    Biểu hiện của bệnh có thể là không triệu chứng nhưng thường là đau vùng chậu, hiếm muộn, hoặc kết hợp cả hai. Chẩn đoán chủ yếu dựa vào các triệu chứng của người bệnh, thăm khám và siêu âm của bác sĩ.

    Bệnh này đòi hỏi phải có một kế hoạch điều trị dài hạn với mục tiêu tối ưu hóa điều trị nội khoa (dùng thuốc) tránh lặp đi lặp lại các can thiệp ngoại khoa (tranh mổ tới mổ lui nhiều lần)

    Mặc dù có rất nhiều nỗ lực trong nghiên cứu về lạc nội mạc tử cung, các bác sĩ hiện tại vẫn đang đối diện với không ít khó khăn trong chẩn đoán và xử trí.

BS. Trọng Quí

Tham khảo tài liệu "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị lạc nội mạc tử cung của Bộ Y tế năm 2019"

Tuổi thai tính như thế nào?

Tuổi thai

        "9 tháng 10 ngày - mang nặng đẻ đau". Vậy tại sao lại có con số 9 tháng 10 ngày này?
        9 tháng + 10 ngày
            = 9 x 30 ngày + 10 ngày
            = 280 ngày = 40 tuần.


        Ngày xưa có thai ông bà ta hay nói là thai được bao nhiêu tháng, hiện nay hầu hết các bác sĩ lại bảo thai bao nhiều tuần? Vì đơn vị tháng thì quá dài để theo dõi thai, ngày thì lại quá ngắn, do đó để khám và đánh giá phát triển thai thì đơn vị tuần là phù hợp nhất. Các chị em nói chuyện với nhau thì đôi khi ta nói thai bao nhiêu tháng cho gần gũi hơn. Khi đổi tháng với tuần cần chú ý 3 tháng là khoảng 13 tuần chứ không phải 12 tuần. 6 tháng là khoảng 26 tuần. 9 tháng là khoảng 39 tuần.

Vậy 40 tuần này tính từ ngày nào đến ngày nào?
        40 tuần tính từ kinh chót đến ngày dự sanh (kinh đều 28 ngày)

        Do đó nếu kinh đều, chu kì 28 ngày thì cách để tính ngày dự sanh là lấy ngày kinh cuối + 40 tuần. Để cộng nhanh bài toán này ta có công thức lấy ngày của kinh cuối +7 và tháng của kinh cuối -3 sẽ ra ngày dự sanh. Ví dụ ngày kinh cuối là 1/4 thì dự sanh là ngày 1+7 tháng 4-3 = ngày 8/1.

        Nếu chu kỳ đều và khác 28 ngày thì ta có thể điều chỉnh bằng cách cộng thêm số ngày ít hơn so với 28 ngày hoặc trừ đi số ngày nhiều hơn 28 ngày. Nếu kinh không đều thì rất khó tính tuổi thai dựa vào kinh cuối.

        Tuy nhiên dựa vào kinh cuối vẫn có 1 số vấn đề dễ gây nhầm lẫn. Ví dụ mình nghĩ ra huyết âm đạo là ngày hành kinh tuy nhiên huyết âm đạo đó có thể không phải máu kinh mà là máu do thai làm tổ hay động thai..., rồi cũng chưa chắc rụng trứng đúng ngày như mình đoán, rồi chưa chắc thụ thai đúng như mình nghĩ, nên dựa vào kinh cuối đôi khi hay bị nhầm lẫn.

        Thật may mắn là hiện nay chúng ta có siêu âm, và tuổi thai dựa trên siêu âm 3 tháng đầu là rất chính xác. Khi có sự sai lệch nhiều giữa tuổi thai theo kinh cuối và tuổi thai theo siêu âm thì các bác sĩ thường tính theo siêu âm 3 tháng đầu.
        Do đó cần đi khám bác sĩ trong 3 tháng đầu để bác sĩ xác định tuổi thai và tính ngày dự sanh đúng, giúp thuận tiện theo dõi và đánh giá thai kì về sau.

BS. Trọng Quí

Cấy que tránh thai sau sinh

 CẤY QUE TRÁNH THAI SAU SINH

        Que cấy tránh thai là phương pháp ngừa thai an toàn, hiệu quả cao, được đông đảo các chị em sử dụng. Vậy sau sinh có cấy que tránh thai được không?

(Que cấy ngừa thai IMPLANON NXT chứa 68mg etonogestrel)

        Hiện tại que cấy tránh thai được sử dụng phổ biến là IMPLANON NXT chứa 68mg etonogestrel, có hiệu quả ngừa thai 3 năm. Sau sanh vẫn có thể cấy que ngừa thai implanon NXT được, tuy nhiên thời điểm có thể khác nhau đối với mỗi người, tùy vào có kinh lại hay chưa, có cho con bú hay không.

(Thời điểm cấy que tránh thai IMPLANON NXT sau sanh)

        Nếu như chị em đã có kinh lại thì có thể cấy que bất cứ lúc nào trong vòng 5 ngày đầu ra kinh, sau 5 ngày thì cần có phương pháp tránh thai hỗ trợ 7 ngày kế tiếp như dùng bao cao su hay không quan hệ.
        Nếu như có kinh lại thì tùy thuộc vào chị em có cho con bú mẹ hay không, nếu vì lý do gì đó mẹ không cho con bú được, thì trong vòng 21 ngày sau sanh, ta có thể cấy que tránh thai bất cứ lúc nào, sau 21 ngày thì cần phương pháp tránh thai hỗ trợ 7 ngày kề tiếp sau cấy que.
        Trường hợp các chị em đang cho con bú thì có 2 kiểu, nếu cho con bú mẹ hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn (tức là cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ, không cho con ăn hay uống thêm bất cứ thứ gì, chỉ chấp nhận cho con uống 1 ít nước trái cây hoặc vitmin D), nếu được như vậy thì khả năng có bầu trộm (có thai khi chưa có kinh lại sau sanh) là rất thấp, nên chúng ta có thể cấy que tránh thai bất cứ lúc nào sau sanh từ 6 tuần đến 6 tháng.
        Nếu cho con bú không hoàn toàn thì khả năng Ccị em có bầu trôm là có, nên cần loại trừ khả năng có thai và dùng phương pháp tránh thai hỗ trợ 7 ngày kế tiếp sau cấy que.
        Các trường hợp cho con bú dưới 6 tuần cần cân nhắc, chỉ cấy que khi không còn phuong pháp tránh thai nào khác.
BS. Trọng Quí

Que cấy tránh thai

 NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ

QUE CẤY TRÁNH THAI IMPLANON NXT


        Que cấy tránh thai etonogestrel là phương pháp ngừa thai có hiệu quả cao, dài hạn và không phụ thuộc vào sự tuân thủ của người sử dụng như các thuốc tránh thai dạng uống. Tuy nhiên, như các biện pháp tránh thai chỉ chứa progestogen khác, thay đổi kiểu ra máu kinh là tác dụng phụ thường gặp và là lý do quan trọng nhất khiến người phụ nữ ngừng sử dụng các biện pháp tránh thai này.

        Các kiểu ra máu âm đạo sau sau khi cấy que có thể bao gồm ra máu thường xuyên và/hoặc kéo dài hoặc không thường xuyên, có những giai đoạn vô kinh. Cơ chế của sự xáo trộn kiểu ra máu vẫn chưa được hiểu rõ nhưng có lẽ do phối hợp của sự bài tiết dao động estradiol của buồng trứng và hiện tường tiếp xúc liên tục với progestogen của các tuyến nội mạc, chất nền và hệ mạch máu dẫn đến sự rối loạn sinh mạch trong nội mạc tử cung với các mạch máu bề mặt tử cung có thành mỏng manh, dễ vỡ, thiếu các chu bào, khiếm khuyết màng đáy, các bạch cầu di cư thay đổi và sự phóng thích enzyme matrix metalloproteinase bị xáo trộn.

        Toàn bộ lượng máu mất từ nội mạc tử cung của những phụ nữ đang sử dụng biện pháp ngừa thai với que cấy dưới da chứa progestogen thường ít hơn một cách có 1ý nghĩa so với lượng máu mất đi trong mỗi chi kỳ kinh nguyệt tự nhiên của họ.

        Việc tư vấn sử dụng đặc biệt về những vấn đề liên quan đến ra máu âm đạo, đóng vao trò quan trọng trong việc cải thiện sự chấp nhận và tiếp tục sử dụng của người phụ nữ đối với que cấy tránh thai etonogestrel. 


(Que cấy là một ống nhỏ làm bằng chất dẻo chứa thuốc tránh thai,
được đặt dưới da mặt trong cánh tay)

  • Que cấy tránh thai etonogestrel có hiệu quả ngừa thai cao, hiệu quả ngừa thai duy trì trong 3 năm, chức năng sinh sản hồi phục nhanh chóng ngay sau rút que cấy.
  • 35-52% phụ nữ có 3-5 đợt ra máu - rỉ máu âm đạo trong 3 năm sử dụng que cấy etonogestrel. 
  • Tỷ lệ phụ nữ Đông Nam Á ngưng sử dụng sớm que cấy tránh thai etonogestrel là 5.1%.
  • Kiểu ra máu trong 3 tháng đầu tiên có thể tiên đoán kiểu ra máu trong thời gian sau đó ở nhiều phụ nữ. Nhóm phụ nữ có kiểu ra máu thuận lợi trong 3 tháng đầu tiên có xu hướng tiếp tục với kiểu ra máu này trong 2 năm đầu tiên sử dụng. Nhóm phụ nữ có kiểu ra máu không thuận lợi trong 3 tháng đầu tiên có tối thiểu 50% cơ hội các kiểu ra máu sẽ cải thiện về sau.
  • 77% phụ nữ đau bụng kinh đã khỏi hoàn toàn triệu chứng.
  • So với các phương pháp tránh thai dài hạn khác, sử dụng que cấy etonogestrel có tỷ lệ mang thai ngoại ý thấp, số ngày ra máu-rỉ máu âm đạo tương đối hằng định, tỷ lệ vô kinh giảm dần trong 3 năm sử dụng, tỷ lệ ngưng sử dụng do ra máu kinh bất thường sau 1 năm thấp (2.1%) và tỷ lệ tiếp tục sử dụng cao (82.6%)

(Tham khảo: MIMS, hình ảnh: Internet)

BS. Trọng Quí

Mẹ bị sốt cho con bú được không?

 Mẹ bị sốt cho con bú được không?

  • Mẹ bị sốt có nên cho con bú? là một thắc mắc của khá nhiều mẹ đang cho con bú.
  • Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần tìm hiểu thêm nguyên nhân mẹ bị sốt là gì?

          Có rất rất nhiều nguyên nhân làm cho mẹ sốt, trong đó thường gặp nhất là sốt do nhiễm siêu vi thông thường mà chúng ta hay gọi là bị cảm. Cần cẩn thận loại trừ khả năng bị các nguyên nhân khác cần được bác sĩ khám và điều trị phù hợp (Sốt cao liên tục, uống thuốc hạ sốt mà không đỡ, sốt kéo dài, sốt kèm theo đau bụng, đau ngực, khó thở, đau đầu nhiều....).


  • Vậy khi bị cảm mẹ có cho con bú được không? 
  • Có 2 vấn đề chúng ta quan tâm là lây bệnh cho consữa mẹ có bị gì không?

          LÂY BỆNH CHO CON: cảm thường lây qua đường hô hấp hoặc lây qua bàn tay của mẹ khi chăm con (giống giống như COVID vậy) và chúng có thể lây bệnh trước khi mình phát bệnh. Có nghĩa là hôm nay mình phát bệnh thì có nghĩa là những ai tiếp xúc với mình vài ngày trước đó đều có khả năng là đã bị lây bệnh rồi. VÀ thường thường nhà có 1 người bệnh là dễ lây thành cả nhà bệnh theo. Do đó có thể con của bạn cũng đã bị nhiễm siêu vi rồi. 


           Biết đường lây như vậy thì chúng ta có thể phòng ngừa GIẢM NGUY CƠ LÂY BỆNH bằng cách đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng trước khi chăm bé, vệ sinh nhà cửa - đồ chơi của bé và CHO BÉ BÚ SỮA MẸ - TẠI SAO VẬY?

          Vì khi mẹ nhiễm siêu vi thì cơ thể sẽ tạo kháng thể. Kháng thể sẽ tiêu diệt siêu vi giúp mình hết bệnh. Kháng thể tiết qua sữa làm sữa mẹ có kháng thể. Khi mẹ phát bệnh có thể con đã nhiễm siêu vi từ mẹ rồi, có thể phát bệnh hoặc chưa, tuy nhiên kháng thể trong sữa có thể giúp bảo vệ con, ngoài ra trong sữa còn có nhiều yếu tố tăng sức đề kháng cho con khác ngoài kháng thể và rất rất nhiều cái lợi khác từ sữa mẹ. Tóm lại là sữa mẹ sẽ không bị gì mà còn tốt và phù hợp với con hơn.

          Do đó cho con bú mẹ hay không thì không thì không liên quan nhiều lắm đến việc con bị lây bệnh hay không. Bú mẹ góp phần giúp con không phát bệnh hoặc bệnh nhẹ hơn. Chú ý khi chăm con cần đeo khẩu trang và rửa tay trước khi chăm bé.

BS. Trọng Quí 

Kinh cuối là gì?

KINH CUỐI LÀ GÌ?

  • Khi đi khám thai hay đi khám phụ khoa, chị em thường được hỏi kinh cuối (hoặc kinh chót) là ngày nào? Vậy kinh cuối là gì và hiểu kinh cuối như thế nào cho đúng?
  • Đơn giản thì ngày kinh cuối là ngày đầu tiên của kì hành kinh cuối cùng. Chú ý là ngày đầu tiên ra kinh chứ không phải là ngày cuối cùng còn ra kinh.
  • Ngày này có ý nghĩa quan trọng vì dựa vào ngày kinh cuối này để tính xem chúng ta hiện đang ở ngày thứ mấy của chu kì, đang ở giai đoạn nào để giúp các bác sĩ đánh giá ban đầu khi thăm khám.
  • Dựa vào ngày kinh cuối này có thể đoán được các chị em đang ở giai đoạn trước rụng trứng, sau rụng trứng, quanh ngày rụng trứng, rồi có trễ kinh không? có thai không? có thai thì ước tính thai được bao lớn?...
  • Tuy nhiên ngày kinh cuối chỉ có giá trị với các chị em có chu kì kinh nguyệt đều mà thôi.
BS. Trọng Quí

Chu kì kinh nguyệt là gì?

Chu kì kinh nguyệt là gì?

  • Hành kinh là ra máu kinh âm đạo nhưng không phải ra máu âm đạo nào cũng là hành kinh. Vậy Hành kinh là gì? Chu kì kinh nguyệt là gì?
  • Theo lý thuyết thì khoảng 14 ngày trước ngày hành kinh là ngày Rụng trứng.


  • Khi trứng rụng sẽ đi vào 1 trong 2 vòi trứng (đường vào tử cung). Chỗ trứng rụng sẽ tạo thành nang hoàng thể -> tiết ra Chất tác động lên nội mạc tử cung (lớp trong của tử cung) giúp cho Phôi thai dễ làm tổ. Hoặc có thể nói Hoàng thể nuôi Nội mạc tử cung. 

  • Hoàng thể chỉ tồn tại khoảng 14 ngày thì không thể nuôi nội mạc tử cung được nữa. Khi đó Nội mạc tử cung sụp đổ và bong phần dày bên ngoài, chảy ra ngoài tạo thành kinh nguyệt.
  • Trừ khi có thai (trứng và tinh trùng gặp nhau, Thụ tinh trong vòi trứng trứng, tạo Phôi thai). Phôi thai theo vòi trứng vào trong lòng tử cung. Mất khoảng 10 ngày để Phôi thai làm tổ thành công. Khi làm tổ thành công thì nhau thai sẽ tiết chất để duy trì hoàng thể, duy trì nội mạc --> không hành kinh. Do đó khi trễ kinh ta thường nghĩ đến có thai.
  • Như vậy rụng trứng tạo Hoàng thể nuôi Nội mạc tử cung cung để dễ có thai, có thai sẽ duy trì hoàng thể. Nếu không có thai sẽ suy hoàng thể, sụp đổ nội mạc tử cung, hành kinh. Hành kinh xong sẽ qua chu kì mới, rồi rụng trứng.... lặp đi lặp lại theo chu kì, đó là chu kì kinh nguyệt.
  • Lý tưởng là chu kì dài 28 này. Ngày 1 là ra kinh, ngày 14 là rụng trứng.
  • Tuy nhiên nhiều người chu kì khác 28 ngày, khi đó ngày rụng trứng là 14 ngày trước ngày hành kinh dự kiến sắp tới.
  • Chu kì không đều hoặc kéo dài hoặc ra nhiều máu kinh thì bạn cần gặp Bác Sĩ Sản Phụ khoa để kiểm trả xem có bệnh lý gì không?
BS. Trọng Quí