Hoàng thể xuất huyết là gì?

HOÀNG THỂ XUẤT HUYẾT


        Bình thường thì ở phụ nữ độ tuổi sinh sản, khi rụng trứng hầu như không có biến chứng gì, tuy nhiên vẫn có một số hiếm trường hợp bị VỠ HOÀNG THỂ XUẤT HUYẾT, vậy hoàng thể là gì? hoàng thể xuất huyết là gì? vỡ hoàng thể xuất huyết là gì?


        Mỗi chu kỳ, chị em thường có 1 nang noãn to và đẹp nhất chứa trứng được rụng vào ổ bụng. Sau khi rụng, trứng sẽ chui vào vòi trứng và nếu gặp tinh trùng sẽ thụ tinh trong đó. Tại vị trí trứng rụng của buồng trứng sẽ chảy 1 ít máu vào ổ bụng hoặc chảy vào trong nang và tự cầm (điều này cũng lý giải nhiều chị em bị đau bụng khi rụng trứng). Sau đó nang này sẽ trở thành hoàng thể để tiết ra các chất giúp thuận lợi cho mang thai. Nếu máu chảy vào trong nang nhiều quá thì làm nang căng và to lên, khi đó nang này được gọi là hoàng thể xuất huyết.
        Hoàng thể xuất huyết có thể rất căng có thể tự vỡ hoặc vỡ khi có tác động của ngoại lực lên nang như sau tập thể dục, quan hệ tình dục, chấn thương hoặc thăm khám vùng chậu. Các triệu chứng lâm sàng là chủ yếu do sự kích thích phúc mạc của máu chảy và nếu nặng thì có triệu chứng của mất máu. (vỡ hoàng thể xuất huyết làm chảy máu vô ổ bụng, máu này kích thích màng lót trong ổ bụng làm chúng ta đau bụng, chảy máu nhiều thì có thể vã mồ hôi, tim đập nhanh, mệt, xỉu,... do mất máu nhiều).


        Có nhiều nguyên nhân có biểu hiện tương tự bao gồm thai lạc chỗ, xoắn phần phụ, u hoặc viêm vùng chậu (1,2). Tỷ lệ thật sự của hoàng thể xuất huyết thì không rõ do thường là không có triệu chứng nên không được phát hiện.

        Hallatt và cộng sự báo cáo (1): phụ nữ trẻ gặp nhiều hơn. Hầu hết vỡ xảy ra trong giai đoạn sau rụng trứng (pha hoàng thể của chu kỳ). Mặc dù vỡ có thể xảy ra bất cứ độ tuổi nào nhưng dường như hay gặp ở giai đoạn sớm sau có kinh lần đầu.

        Có mối liên hệ giữa quan hệ tình dục và vỡ hoàng thể được mô tả bời Aggarwal và cộng sự (3)Hoàng thể xuất huyết trong thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ sẩy thai tự nhiên (1).
BS. Trọng Quí

Tham khảo: 
1. Hallatt JG, Steele CH Jr, Snyder M. Ruptured corpus luteum with hemoperitoneum: a study of 173 surgical cases. Am J Obset Gynecol 1984;149:5-9.
2. Gupta N, Dadhwal V, Deka D, Jain SK, Mittal S. Corpus luteum hemorrhage: rare complication of congenital and acquired coagulation abnormalities. J Obstet Gynaecol 2007;33:376-80.
3. Aggarwal A, Goel P, Wanchu M, Malhotra R, Malhotra S. Ruptured corpus luteum with hemoperitoneum. J Obstet Gynecol Ind 2004;54:488-90.

0 Bình luận:

Đăng nhận xét